Trong Bảo tàng Vatican ở Rome có trưng bày một trong những tác phẩm điêu khắc kinh điển nhất mọi thời đại. Đó chính là bức tượng Laocoön và các con trai.

Tác phẩm điêu khắc khoảng 2.000 năm tuổi có chiều cao hơn hai mét và mô tả vị giáo sĩ thành Troy Laocoön và các con trai của ông. Theo Trường ca Iliad và Odyssey kể lại, Laocoön chính là người đã nghi ngờ âm mưu "ngựa gỗ" của người Hy Lạp và khuyên người Troy không nên mang con ngựa vào thành.

Đây thật sự là một kế hoạch của các vị thần trên đỉnh Olympus nhằm giúp người Hy Lạp giành chiến thắng. Và Laocoön do có ý muốn can thiệp vào kế hoạch của các vị thần nên ông và các con đã bị rắn nước giết chết.

Hình ảnh cận cảnh bức tượng Laocoön và các con trai của ông tại Bảo tàng Vatican, Rome.

Câu chuyện bối cảnh của bức tượng rất hấp dẫn nhưng có một chi tiết còn tạo được nhiều sự chú ý hơn từ khách tham quan bảo tàng. Chi tiết này nằm ở "Của quý" cực kỳ nhỏ của Laocoön.

Đáng nói hơn trong bảo tàng Vatican, Laocoön không phải là bức tượng duy nhất sở hữu "của quý" nhỏ như vậy. Khắp bảo tàng có những bức tượng khác mô tả những người đàn ông lực lưỡng với bộ phận sinh dục nhỏ xíu.

Người Hy Lạp có quan niệm không mấy thiện cảm với "của quý" to

Tại sao các nhà điêu khắc thời cổ đại lại thường ban tặng cho đàn ông một "của quý" với kích cỡ khiêm tốn như vậy. Chắc chắn kích cỡ này không phải được dựa trên kích cỡ "của quý" thật ngoài đời của người Hy Lạp.

Theo các nghiên cứu khảo cổ và văn hoá cho biết, đối với người Hy Lạp và La Mã cổ đại, bộ phận sinh dục lớn bị coi là xấu xí. Hình ảnh "của quý" lớn thường được gán với các loài động vật như ngựa, bò. dê v.v… Nếu một người được mô tả có một chiếc "của quý" to lớn, anh ta thường bị xem như những kẻ man rợ, thô lỗ, phóng đãng và có thiên hướng tận hưởng khoái lạc bừa bãi.

Trong thần thoại Hy Lạp có Dionysus, vị thần của rượu vang và hưởng lạc. Ngài thường được bao quanh bởi các Satyrs, một sinh vật thấp bé nửa người, nửa dê (hoặc ngựa), luôn khỏa thân và được miêu tả là thú tính và gớm ghiếc. Họ tổ chức những bữa tiệc trác táng và giải trí hoan lạc với các tiên nữ sống trong rừng.

Những vị thần và linh hồn rừng này rất khêu gợi và bộ phận sinh dục của họ được miêu tả khá to lớn. Con trai của Dionysus là Priapos, người đã bị mẹ mình bỏ rơi trên núi do có "của quý" to bất thường. Ở đó, những người chăn cừu đã tìm thấy Priapos, nuôi nấng và tôn kính ông thành một vị thần sinh sản. Dẫu vậy, quan niệm chung của người Hy Lạp cổ vẫn là không mấy thiện cảm với "của quý" to.

"Của quý" nhỏ thể hiện trí tuệ sáng suốt và sự kiểm soát tâm tính

Những bậc thầy điêu khắc cố ý tạc những bức tượng nam giới với bộ phận sinh dục nhỏ còn mang một ý nghĩa thể hiện cho người xem biết rằng: người đàn ông này là một người có tri thức lý tính, bởi lẽ vậy mà anh ta có khả năng kiểm soát được những ham muốn của mình.

Những người đàn ông có khả năng tự chủ và biết cách kiểm soát bản thân sẽ luôn được đánh giá cao hơn. Họ hoàn toàn khác biệt so với những kẻ man rợ, buông thả và ham thú dục lạc. Đây đơn giản là một xu hướng thể hiện và khắc hoạ nhân vật của giới điêu khắc cổ Hy Lạp.

David của Michelangelo được trưng bày tại Galleria dell' Accademia.

Dương vật nhỏ là hình mẫu vẻ đẹp lý tưởng theo góc nhìn của người Hy Lạp. Về sau, người La Mã đã tiếp tục thừa hưởng quan niệm này.

Không chỉ họ, các nghệ sĩ thời Phục hưng như Michelangelo hay Raphael cũng hưởng ứng và sáng tác ra những tác phẩm với đặc điểm nhân vật tương tự giống như thời Hy Lạp cổ. Ví dụ, bức tượng David của Michelangelo, được tạo ra từ năm 1501 đến 1504, cũng có kích thước "của quý" khiêm tốn.

Ngày nay, quan niệm của xã hội về bộ phận sinh dục nam đã thay đổi. Dương vật siêu nhỏ không còn được coi là dấu hiệu của sự xuất sắc về trí tuệ. Đối với nhiều người, dương vật lớn lại được coi là nam tính và đại diện cho sự thành công.

Theo một nghiên cứu được công bố bởi Đại học Stanford ở California, "của quý" nam giới ngày nay thậm chí còn ngày càng lớn hơn. Dữ liệu của nhóm khoa học báo cáo rằng kích thước cơ quan sinh dục nam đã tăng thêm 24% ở một số khu vực trên thế giới trong 30 năm qua. Nhưng vào thời cổ Hy Lạp, kích cỡ này có lẽ đã gây ra nỗi kinh hoàng về mặt thẩm mỹ.